Cập nhật lúc: 27/10/2023

Hiệu quả mô hình chuyển giao ứng dụng tưới tiết kiệm trên cây cà phê

Từ năm 2015 - 2022, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đã được triển khai tại 10 huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk với mục tiêu hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất và tái canh cà phê theo hướng bền vững, nâng cao sản lượng và chất lượng cà phê.

2-1

Hệ thống tưới tiết kiệm trên cây cà phê tại vườn của gia đình ông Trương Hoàng Trung (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar).
Một trong những hoạt động chuyển giao thành công của Dự án VnSAT Đắk Lắk là mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê.

Phương pháp tưới phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt đã mang lại lợi ích rõ rệt khi so sánh với phương thức tưới truyền thống của nông dân trước đây. Theo tính toán, khi sử dụng phương pháp tưới dí gốc, lượng nước tưới cho cà phê phải mất từ 300 - 400 lít/cây/lần tưới, trong khi đó, với phương pháp tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt, lượng nước chỉ cần khoảng 200 - 250 lít/cây/lần tưới là đã đáp ứng đủ nhu cầu nước của cây.

Theo công nghệ tưới phun mưa tại gốc của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lưu lượng tưới phổ biến khoảng 50 - 60 lít/giờ/cây, nước được thấm đều trên cả diện tích vùng rễ và bồn cây. Còn với công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, nước được tưới thông qua các đầu nhỏ giọt thấm đều ở vùng rễ, các dây nhỏ giọt chạy dọc hai bên hàng cây với khoảng cách 40 cm sẽ tưới được 1,0 - 1,6 lít/giờ/đầu nhỏ giọt và nông dân có thể lắp đặt từ 4 - 8 đầu tùy nhu cầu nước của cây và điều kiện đất đai.

In Gửi Email
ipv6 ready